Giá vốn hàng bán là gì? Cách tính giá vốn hàng bán chuẩn 100%
Giá vốn hàng bán là một trong những khoản chi lớn nhất trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, việc nắm được những thông tin về vấn đề này là vô cùng cần thiết. Để tính được giá vốn hàng bán đúng đắn cho mỗi doanh nghiệp đang là bài toán khó nuốt đối với những người làm kinh doanh. Mỗi phương pháp tính giá vốn hàng bán tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý, trình độ, năng lực nghiệp vụ, phương tiện xử lý thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời cũng tuỳ thuộc vào yêu cầu bảo quản, tính phức tạp về chủng loại, quy cách và sự biến động của hàng hóa ở từng doanh nghiệp.
Nắm vững được các yếu tố hình thành giá vốn hàng bán cũng như những cách tính giá vốn hàng bán với những ưu, nhược điểm khác nhau, sẽ giúp chúng ta có sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp của mình.
Cùng tham khảo những thông tin bổ ích dưới đây để có cái nhìn tổng quan hơn về những vấn đề liên quan đến giá vốn hàng bán nhé.
-
Giá vốn hàng bán là gì?
Giá vốn hàng bán được hiểu là toàn bộ chi phí để tạo ra một sản phẩm. Giá vốn hàng bán bao gồm trị giá vốn của thành phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các chi phí liên quan đến các hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, chi phí cho đầu tư bất động sản bán ra trong một thời kỳ,...
Kế toán giá vốn hàng bán phải xác định kết quả để cung cấp thông tin cho báo cáo tài chính sau khi biết được trị giá vốn của hàng xuất kho để bán, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Kế toán xác định giá vốn của hàng đã bán là bao nhiêu tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, sự vận động của sản phẩm và loại hàng hóa.
Giá vốn hàng bán của mỗi công ty là khác nhau, giá vốn có thể thay đổi phụ thuộc vào các quy định theo hợp đồng với nhà cung cấp. Vì một số nhà cung cấp có thể cộng các khoản phí vào giá bán hàng như phí vận chuyển, bảo hiểm,…
-
Cách tính giá vốn hàng bán
Hiện nay, có rất nhiều cách tính giá vốn hàng bán. Theo thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ tài chính thì chia việc tính giá vốn thành 4 cách tính khác nhau. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp cũng tồn tại một số cách tính khác phù hợp hơn với đặc thù của doanh nghiệp đó. Như vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc để chọn cách tính phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Một số cách tính giá hàng bán tiêu biểu như sau:
Cách tính giá vốn hàng bán cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không chỉ bao gồm thành phẩm của doanh nghiệp hình thành qua quá trình sản xuất. Mà còn phải cộng thêm các chi phí lao động sống và lao động vật hóa, tiêu biểu là các chi phí bắt buộc phải có: phí vận chuyển nguyên vật liệu sản phẩm, phí nhân công, hao hụt, phí sản xuất mỗi công đoạn,…
Tất cả các chi phí khi kết thúc quá trình sản xuất là giá của thành phẩm, bao gồm chi phí từ các kho giữ thành phẩm đầu kỳ và sản xuất trong kỳ.
Cách tính giá vốn hàng bán cho doanh nghiệp thương mại dịch vụ
Cách tính giá vốn hàng bán thương mại của doanh nghiệp thương mại dịch vụ có phần đơn giản hơn so với doanh nghiệp sản xuất.
Hoạt động của doanh nghiệp thương mại dịch vụ là hoàn thành quá trình lưu thông hàng hóa. Vì vậy khi tiêu thụ hàng hóa, từng phần giá thành sẽ được đưa vào sản phẩm theo quy định của doanh nghiệp.
Cách tính giá vốn hàng bán theo phương pháp giá thực tế đích danh
Theo phương pháp này, mỗi hàng hóa, sản phẩm xuất kho thuộc lô hàng nhập nào thì lấy đơn giá nhập kho của lô hàng tương ứng để tính giá trị xuất kho.
Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng thứ hàng hoá mua vào, từng thứ sản phẩm sản xuất ra nên chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định. Vì vậy mà đây cũng là phương pháp có độ chính xác cao, giá trị của hàng tồn kho cũng được phản ánh chính xác giá trị.
Tuy nhiên, doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp này sẽ đòi hỏi việc tổ chức kho vận khắt khe. Chỉ có thể áp dụng đối với những doanh nghiệp có ít mã hàng và có giá trị lớn thì sẽ hiệu quả và phù hợp hơn.
Cách tính giá vốn hàng bán nhập trước xuất trước
Cách tính giá vốn hàng bán theo phương pháp này là hàng nào nhập trước thì xuất trước và lấy giá thực tế của lần đó là giá của hàng hóa xuất kho. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ khi ấy sẽ được tính theo đơn giá của hàng nhập kho sau cùng.
Công thức này yêu cầu sự tính toán dữ liệu khá phức tạp, nên chỉ phù hợp với các mặt hàng có hạn sử dụng và các cửa hàng điện máy. Nhưng lại giúp doanh nghiệp tính được ngay trị giá vốn hàng xuất kho từng lần xuất hàng, đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời. Trị giá vốn của hàng tồn kho sẽ tương đối sát với giá thị trường của mặt hàng đó, giúp cho báo cáo kế toán có ý nghĩa tế hơn.
Cách tính giá vốn hàng bán nhập sau xuất trước
Cách tính này rất ít khi được sử dụng do không thực tế, theo thông tư 200 đã bỏ áp dụng phương pháp nhập sau xuất trước này. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật là hai nước hiện nay còn chấp nhận cách tính này.
Cách tính giá vốn hàng bán theo cách hàng nào nhập sau xuất trước có nhược điểm là định giá hàng tồn kho không đáng tin cậy trong tường hợp hàng tồn kho là sản phẩm cũ và có giá trị lỗi thời với giá hiện hành.
Cách tính giá vốn hàng bán bình quân gia quyền cuối kỳ
Công thức tính giá vốn hàng bán bình quân gia quyền là kế toán sẽ tính đơn giá bình quân gia quyền tại thời điểm xuất kho hoặc thời điểm cuối kỳ, căn cứ vào số tồn đầu kỳ sau đó lấy số lượng hàng hóa xuất nhân với đơn giá bình quân đã tính.
Đây là phương pháp tính giá vốn hàng bán phổ biến nhất mà các phần mềm hiện nay đang áp dụng. Điểm lưu ý của phương pháp này buộc phải đảm bảo thông tin số hàng tồn kho chính xác tuyệt đối, vì sai một con số dẫn đến giá vốn bán hàng sai thì sẽ không thể tính lãi gộp và giá trị tồn kho đúng được.
Theo phương pháp tính giá vốn hàng bán này, mỗi lần nhập hàng thì giá vốn sẽ được tính lại theo công thức:
Đơn giá xuất kho bình quân trong kỳ của một loại sản phẩm = (Giá trị hàng tồn đầu kỳ + Giá trị hàng nhập trong kỳ) / (Số lượng hàng tồn đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trong kỳ).
Cách tính giá vốn hàng bán bình quân gia quyền theo thời điểm
Đây là cách tính giá vốn hàng bán sau mỗi thời điểm nhập sản phẩm hàng hoá, được áp dụng ở các doanh nghiệp ít chủng loại hang tồn kho hoặc có lưu lượng nhập xuất ít. Vì cách này phải xác định lại giá trị thực của hàng tồn kho và giá đơn vị bình quân nhiều lần, tính toán phức tạp tốn công sức. Tuy nhiên nó lại khắc phục đươc một số hạn chế của cách trên, công thức tính giá vốn hàng bán như sau:
Đơn giá xuất kho lần thứ i = (Trị giá vật tư hàng hóa tồn đầu kỳ + Trị giá vật tư hàng hóa nhập trước lần xuất thứ i)/(Số lượng vật tư hàng hóa tồn đầu kỳ + Số lượng vật tư hàng hóa nhập trước lần xuất thứ i)
Cách tính giá vốn hàng bán theo phương pháp giá bán lẻ
Theo thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ tài chính đã bổ sung phương pháp giá bán lẻ để các doanh nghiệp tính được giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn, các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận biên tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác. Phương pháp này dùng chủ yếu trong ngành bán lẻ.
Giá gốc hàng tồn kho được xác định bằng cách lấy giá bán của hàng tồn kho trừ đi lợi nhuận biên theo tỷ lệ phần trăm hợp lý. Tỷ lệ đó có tính đến việc các mặt hàng bị hạ giá xuống thấp hơn giá bán ban đầu. Mỗi bộ phận bán lẻ thường sẽ sử dụng một tỷ lệ phần trăm bình quân riêng. Đối với chi phí mua hàng trong kỳ sẽ được tính cho hàng tiêu thụ trong kỳ và hàng tồn kho cuối kỳ. Tùy thuộc tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp mà lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí mua hàng.
Phân biệt giá thành sản xuất và giá vốn hàng bán
Giá thành sản phẩm là toàn bộ chi phí sản xuất của sản phẩm, trực tiếp liên quan đến việc sản xuất sản phẩm, hoàn thành nhập kho hay tiêu thụ. Có nhiều loại giá thành khác nhau, trong đó có hai loại tiêu biểu xét theo phạm vi phát sinh chi phí:
Giá thành tiêu thụ (hay còn gọi là giá thành toàn bộ) là chi phí sản xuất kinh doanh của sản phẩm đã bán xong, đây là chỉ tiêu quan trọng nhất làm cơ sở để tính giá bán và lãi.
Giá thành sản xuất là chi phí sản xuất của sản phẩm hoàn thành đủ tiêu chuẩn nhập kho hay bán. Bao gồm các chi phí sản xuất phát sinh liên quan đến việc sản xuất chế tạo sản phẩm trong phạm vi phân xưởng, bộ phận sản xuất nguyên liệu, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp; chi phí sản xuất chung tính cho sản phẩm, công việc hay lao vụ, dịch vụ đã hoàn thành.
Giá vốn hàng bán như đã nói ở trên, đó là giá trị thực chứa trong mỗi hàng hoá dịch vụ trong nghiệp vụ trao đổi kinh doanh. Khi xuất kho sản phẩm để bán thì được gọi là giá vốn hàng bán. Nó phản ánh lượng hàng hóa đã bán được của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian, mức tiêu thụ hàng hóa cũng như xác định được lợi nhuận của doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh.
Giá thành sản xuất được sử dụng để ghi sổ kế toán thành phẩm đã nhập kho, trường hợp bán thẳng cho khách hàng không qua kho thì giá thành sản xuất được sử dụng để hạch toán giá vốn hàng bán. Vì vậy nó bao quát hơn giá vốn hàng bán, nó là căn cứ để xác định giá vốn hàng bán và mức lợi nhuận gộp trong từng kỳ của các doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ ở các doanh nghiệp sản xuất. Cũng có giá thành sau khi đã được tính, xác định thì nó trở thành giá vốn trong trường hợp phát sinh một số vấn đề liên quan như xuất bán hay xác định tồn kho.