Doanh nghiệp và starup tăng đột phá nhờ đòn bẩy công nghệ
Bắt nhịp xu hướng
Theo các chuyên gia, với hơn 93 triệu dân và đông đảo giới trẻ, Việt Nam đang thuận lợi trong việc bắt nhịp với các xu hướng công nghệ mới như IoT (Internet vạn vật), AI (Trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối)… Đồng thời, sự hậu thuẫn của các chính sách vĩ mô được Chính phủ đưa ra nhằm thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, các ý tưởng khởi nghiệp sẽ thúc đẩy kiến tạo hệ sinh thái tài chính, làm đòn bẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và công ty khởi nghiệp nói riêng tăng trưởng trong thời gian tới.
Cách đây hai năm, tại Việt Nam còn chưa xuất hiện các doanh nghiệp hay thị trường cho gọi xe qua ứng dụng, nhưng hiện nay người tiêu dùng không chỉ có thể sử dụng phổ biến các thương hiệu Grab, GoViet, Be… mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn phải cạnh tranh khốc liệt để giữ vững thị trường. Hay thương mại điện tử đã và đang làm thay đổi cách thức mua bán; các dịch vụ giao đồ ăn cũng làm thay đổi cách ta ăn uống và tạo ra sự đột phá trong ngành nhà hàng khách sạn.
Từ đó có thể thấy, dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào, ít ứng dụng hay không phụ thuộc công nghệ, thì doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi làn sóng công nghệ và cách mạng 4.0. Cụ thể, thống kê cách đây 10 năm, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin mới đạt 6 tỷ USD thì đến cuối 2018 đã đạt xấp xỉ 100 tỷ USD, gấp 17 lần về doanh thu và giá trị xuất khẩu tăng 16 lần, xuất siêu 26 tỷ USD.
Hiện nay, một số tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam luôn nằm trong top 10 các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trong khu vực và trên thế giới.
Đơn cử, Việt Nam đứng đầu về dịch vụ gia công quy trình kinh doanh (BPO) theo Cushman & Wakefield; xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại và thiết bị văn phòng theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, Chính phủ Việt Nam cũng xác định đưa công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trở thành trọng tâm cho đột phá đổi mới, sáng tạo và đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam đang có gần 50.000 doanh nghiệp và mục tiêu sẽ hình thành được đội ngũ đông đảo với hơn 100.000 doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc lắp ráp, gia công, các giải pháp thúc đẩy chuyển hướng sản xuất ra sản phẩm Việt Nam hay thúc đẩy ứng dụng công nghệ hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề của kinh tế - xã hội đã và đang được quan tâm.
Cơ hội cho startup công nghệ
Hiện nay, Việt Nam được xem là có nhiều điều kiện có lợi đang xảy ra cùng lúc, nếu sử dụng hiệu quả và thành công tất cả những lợi thế này. Do đó, Việt Nam có thể vươn lên bắt kịp các nước khác, trở thành nơi phát triển và tạo ra các kỳ lân - là các startup phát triển rất nhanh và có định giá hơn 1 tỷ USD.
Việt Nam có rất nhiều người trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone và internet cao, đồng thời cũng đang trong thời kỳ những người trẻ sử dụng thành thạo các ứng dụng như mạng xã hội Youtube, Instagram... Việt Nam có thể xây dựng và phát triển nhiều kỳ lân vì Việt Nam giàu tài nguyên, nguồn tài lực và có các điều kiện lợi thế. Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG cho rằng, nên nghĩ nhiều hơn những việc cần và muốn thực hiện trong tương lai, không nghĩ nhiều về quá khứ; đồng thời, những người trẻ cần có lòng tin vào chính mình và những trải nghiệm của bản thân. Đặc biệt, một doanh nhân khởi nghiệp thường ở độ tuổi trẻ và thiếu kinh nghiệm, nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác thì đó cũng là những người ham học hỏi và có nhiều ý tưởng sáng tạo.
Chính phủ Việt Nam đã và đang hỗ trợ cơ chế chính sách cho lĩnh vực công nghệ và startup, tuy nhiên giữa cơ chế chính sách và thực tế vẫn còn khoảng cách. Trên thực tế, ở các lĩnh khác như hoạt động sản xuất kinh doanh, những cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hay ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên… vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới các dịch vụ trên nền tảng đám mây như thanh toán, vé, hóa đơn điện tử… sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch giữa offline và online thông qua công nghệ, chú trọng tập trung vào người tiêu dùng cốt lõi. Trong đó, các công ty công nghệ đối mặt với thách thức chung của thị trường là nguồn nhân lực trong công ty công nghệ, do nhiều người được đào tạo xong sẽ rời đi và thành lập doanh nghiệp của riêng mình.
Việc đầu tiên là các công ty cần định vị doanh nghiệp trên thị trường. Tiếp theo là xây dựng nền tảng Data (cơ sở dữ liệu) trước khi ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nếu không phải là một trong những công ty lớn thì cần kết nối ứng dụng AI với cơ sở dữ liệu nhỏ trước khi triển khai trên cơ sở dữ liệu lớn. Từ đó, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu giúp AI thông minh hơn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra động lực cho các bên làm việc với nhau.
Các công ty muốn phát triển và mở rộng hoạt động thì bắt buộc phải vươn ra khỏi thị trường nội địa và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu. Trong đó, công nghệ “chạm” đến tất cả mọi thị trường, nếu doanh nghiệp biết cách nắm bắt được cơ hội thì có thể khai thác hiệu quả dư địa của thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo thành công cũng như phát triển bền vững.
Theo: TTXVN